Điển tích và một số nghi thức tại Đền Vân Mộng

30/09/2021
Điển tích và một số nghi thức tại Đền Vân Mộng

        Thần tích tại đền ghi rằng: Thời vua Lý Thánh Tông trị vì, vợ chồng một viên quan về ở ẩn tại trang Sơn Minh (nay là xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hoà) tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Một đêm Trung thu năm Nhâm Ngọ, bà nằm mộng thấy người con gái xinh đẹp xuất hiện trong vầng mây hồng rực rỡ lọt qua khe cửa nhỏ vào nhà. Từ đó bà mang thai, đúng giờ Ngọ ngày 5/5 năm Quí Mùi (1043) bà sinh hạ được một người con gái và đặt tên là Vân Mộng.

Tương truyền, nàng Vân Mộng càng lớn càng xinh đẹp nết na, đoan trang, diện mạo hiền từ đôn hậu. Đến tuổi trăng tròn nàng xuất gia qui y cửa Phật tại chùa Thuỷ Viên (nay là chùa Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức). Trên đường lánh nạn giặc Chiêm Thành, nhà sư Vân Mộng đã theo học đạo của một vị tiên ở ngoài hải đảo và được truyền dạy sáu phép tiên hô mây, hoán vũ cùng với nghề bốc thuốc cứu dân độ thế. Khi giặc đất nước trở lại thanh bình, nhà sư Vân Mộng trở về chùa Lai Tảo thấy vùng này xảy ra nhiều dịch bệnh hiểm nghèo, nhà sư liền sử dụng phép tiên và nghề bốc thuốc mà tiên nữ xưa kia truyền cho và đã cứu được rất nhiều người dân của bốn giáp, 12 thôn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các vùng khác cũng đến nhờ nhà sư cứu giúp.

Vào một buổi trời quang mây tạnh, bà đang làm phép bỗng có cơn gió lớn rồi mưa to ập tới, ánh hào quang từ đâu rủ xuống và bà đã hoá, hôm ấy là ngày 22/10 năm Kỷ Dậu.

Sau này, khi gặp hạn hán, dịch bệnh những người dân nơi đây thường đến chân núi của tổng Tuy Lai - nơi bà hay đến tìm thảo dược và luyện các phép cứu người cầu khấn đều rất linh ứng. Năm Giáp Thân, các phủ ở phía Bắc, đồng đất bị khô hạn kéo dài. Tổng Bột Xuyên, tổng Tuy Lai đã cùng nhau làm lễ tại nơi Ngài hoá và rước kiệu Linh Tiên Thánh ra chùa Lai Tảo, kiệu đi tới đâu thì trời mưa đến đó, đồng ruộng lại được cấy cầy thuận lợi. Tin cứu nhân độ thế của Linh Tiên Vân Mộng tới tai vua, nhà vua cùng với các quan đại thần đã tới vùng sơn cước thuộc thôn Giáp Bốn làm lễ cầu đảo truyền lệnh nhân dân mở mang khuông viên đền thờ Tiên Thánh Vân Mộng và phong bà là:Vân Mộng Hiển Tế Quảng Trạch Minh Ứng Uy Tĩnh Linh Tích Anh Cao Vọng Tí Ngự Tông Bạt Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Tối Linh Thần.

Ngày nay, đền thờ tiên thánh Vân Mộng toạ lạc trên thế đất cao ráo nằm trên một vùng sơn cước ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, chạy vòng cung từ Tây Bắc xuống Tây Nam, theo thế "Gối sơn đạp thuỷ" trông về hướng Đông Nam - là hướng phù hợp với phong thuỷ truyền thống.

        Theo phong tục, lễ hội đền Vân Mộng được mở vào ngày 21 và 22 tháng 10 âm lịch (ngày Đức thánh hoá). Công việc tổ chức lễ hội được tiến hành theo các trình tự được ghi nhớ và truyền lại giữa các thế hệ dân làng. Ông chủ tế là người có nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc tổ chức lễ hội được bầu chọn tuân theo truyền thống là người chức sắc như Tiên chỉ, Chánh hội hay người có chức tước cao nhất cao làng mà gia đình không vướng bụi. Khi lễ hội của năm trước kết thúc, ông chủ tế sẽ phân công cụ thể từng công việc cho từng người đã được bầu chọn để chuẩn bị các vật phẩm cho ngày lễ hội năm sau.

Theo phân công của làng giáp Nhất cử người Tây xướng, giáp Nhì cử người Đông xướng và cùng lo việc chấp đăng, các thành viên khác trong ban tế thì cả bốn giáp cử người tham gia và người dự tế có danh sách gửi lên chủ tế trước ngày 5/10 âm lịch. Những người được cử tham gia Ban tế phải chuẩn bị y phục theo đúng qui định của làng. Bên cạnh đó các giáp còn phải chuẩn bị các cỗ kiệu rước thánh trong ngày hội như: giáp Tứ chuẩn bị kiệu rước Đức thánh, giáp Ba chuẩn bị kiệu rước nước, giáp Nhì chuẩn bị kiệu rước sáu vị phỗng, còn kiệu hoa do giáp Nhất chuẩn bị. Riêng nhà đền lo việc chuẩn bị nơi hành lễ cho người dân và khách thập phương đến tế chầu.

Trước khi diễn ra lễ hội từ 3 đến 5 ngày, ban Nhất của các làng cử người phụng tả, người đọc và người chuyển văn theo phương thức luân phiên. Nếu làng Cát viết văn thì làng Trù đọc văn và làng Đình đặt văn vào vị trí hay chuyển văn trong khi tế, người đọc văn cũng là người hoá văn. Người được chọn viết văn phải đạt các tiêu chuẩn: Có trình độ về học vấn về Hán học, có chức tước cao nhất trong làng và phải có tín nhiệm trong làng.

Văn viết xong đựng trong ống quyển và đặt vào hộp tráp, không được đưa ra khỏi đền. Đến buổi tế mới được lấy ra đặt vào giá văn và phủ vải màu vàng (Khi tế, tất cả các quan viên không được vào cung của đền, chỉ có chủ tế và cụ từ mới được vào trong). Ngày hội làng có ba lần tế chính là Yết tế, tế bán dạ và chính tế. Vì vậy, văn tế (viết theo thể phú) cũng được viết ba bài với nội dung khác nhau nhưng toát lên tinh thần tôn vinh và cầu nguyện với Đức thánh. Khi tế, nếu văn tế viết sai với nội dung ý nghĩa của thần phả thì người viết văn tế bị phạt, người đọc mà bị sai cũng bị phạt. Mức phạt sẽ do hội đồng hợp tế  qui định (tối thiểu là một buồng cau tươi 300 quả và 1 lít rượu trắng và tối đa là một tạ lợn và một mâm xôi đầy)

Tế và rước đảo vũ cũng coi như ngày hội của vùng nên việc chuẩn bị được phân công cụ thể và chu đáo các khâu nhằm đạt yêu cầu đề ra, nhất là năm có các quan triều đình về dự như quan Tổng đốc, tri huyện...

Bắt đầu vào lễ hội bao giờ cũng phải làm lễ "mộc dục" vào ngày 11 hoặc 12 /10 âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ này, giáp Tứ phải cử hai người cùng tham gia với nhà đền phục vụ lễ rước nước. Bắt đầu lễ rước nước bằng việc ông chủ tế làm lễ tại đền xin phép. Đoàn rước nước gồm có người đánh trống khẩu đi đầu rồi đến người đội bình nước, sau người đội bình nước là người mang lọng che bình nước. Chủ tế cùng một số người nhà đền đi sau phục vụ (năm đi đường bộ vào cửa Rang lấy nước, có năm đi thuyền thúng để lấy, tuỳ từng năm nước đầy hay nước cạn ở sông). Đoàn rước vào tới điện Cửa Long, thì nhà đền dâng lễ lên điện để chủ tế trình nàng hầu một của Đức thánh về việc lấy nước để đem về làm lễ mộc dục cho Đức thánh. Sau đó chủ tế đi đầu đoàn rước tiến về cửa hang, nơi nước đang chảy cầm gáo múc nước đổ vào bình (không lấy nước ngoài cửa hang). Khi nước được rước về về đền thì chủ tế có lễ trình với Đức thánh và để bình nước vào nơi qui định. Nhà đền đem các loại hoa thơm thả vào bình sau 15 đến 30 phút mới đổ nước ra chậu đồng để làm lễ bao sái. Khăn dùng làm lễ là 10 chiếc màu vàng, vuông mỗi chiều là 0,3 mét, khi bao sái thì theo thứ tự nhất định từ Đức thánh rồi đến các vị phỗng. Khi tiến hành bao sái, trừ chủ tế và nhà đền được vào cung còn mọi người đều ở ngoài lễ vọng vào. Sau khi bao sái song, số nước và số khăn còn thừa sẽ được nhà đền đem phát lộc.

Lễ mộc dục xong thì chủ tế và nhà đền kiểm tra lần cuối các lễ vật dâng cúng, nếu đạt tiêu chuẩn thì cho người chuyển lên Tam quan của đền để đến ngày 19 hoặc 20/10 để làm lễ cho ngày hội.

Lễ mặn trong ngày hội gồm có ba lễ tam sinh đặt chính giữa cửa cung với ba thủ Trâu, dê, lợn trên tai tết hoa màu đỏ, đặt trên mâm đồng có ba chân quỳ với 10 phẩm oản, một chiếc bánh dày, đĩa trầu cau, một chai rượu trắng và thẻ hương và một nải chuối. Các ban thờ ở gian bên cửa võng là nơi đặt lễ mặn của các giáp, lễ này nhiều hay ít tuỳ theo số dân cư của từng giáp.

Với lễ hội tổ chức thường niên thì làng, xã không tổ chức rước kiệu thánh, nhưng hễ vào những năm xảy ra thiên tai hay hạn hán dẫn đến tình trạng thiếu nước làm vụ chiêm, dân làng tổ chức tế "cầu gió cầu mưa" từ 1 đến 3 ngày, nếu vẫn không có mưa thì tổ chức rước cầu đảo "Hô phong hoán vũ". Lễ rước này được tổ chức từ đền Vân Mộng đến chùa Tứ Xã (từ Tuy Lai ra An Mỹ đến chùa Tứ Xã, Bột Xuyên) và ngược lại. Thứ tự của đoàn rước rất qui củ, trang nghiêm và nhộn nhịp. Đi đầu là cờ lệnh "Tối linh thần" và 5 lá cờ thần với năm màu sắc khác nhau tượng cho ngũ phương của trời - đất, tiếp đến là bát bửu rồi đến trống con. Trước mỗi kiệu là ba vị có chức tước của các làng mặc quần áo chỉnh tề đi với kiệu. Sau cờ là kiệu hoa quả rồi đến kiệu Long đình rước nước, tiếp sau là kiệu 6 vị phỗng và sau cùng là kiệu của Đức thánh cùng đoàn người, các vị chức sắc của các làng.

Lễ rước đi theo hành trình: từ đền Vân Mộng ra đình Điện đi bằng thuyền nan, từ đình Điện ra Kinh Đào rước bằng kiệu đòn đôi (do đường quá hẹp), từ Kinh Đào rước Ngài đến chùa Tứ Xã bằng đòn tám qua Tảo Khê đến Lai Tảo thì ở lại một ngày. Khi tế lễ xong thì rước Ngài qua Phú Khê, Phú Hữu, Bột Xuyên, Vĩnh Lạc về đình Trung của xã Tuy Lai ở thôn Cầu thì làm lễ tế cầu mưa từ một đến ba ngày. Hành lễ thường diễn ra vào buổi chiều (tương truyền nên làm lễ khi có đám mây đen xuất hiện trong vùng thì rước theo hướng đó, khi đám mây dừng ở đâu thì làm lễ ở đó và chỉ 1 đến 2 ngày sau là có mưa).

Trong khi rước, đoàn kiệu đi đến đâu là ở đó có hương án lễ vọng kể cả các làng bên kia sông Đáy từ Vĩnh Thượng đến Viên Nội (Ứng Hoà). Riêng chùa Tứ Xã đầu làng Lai Tảo là điểm dừng nên có qui mô lớn hơn, từ giá để thứ tự kiệu đến ban dàn tế chầu trời cầu đất.

Theo truyền thống lâu đời nên hàng năm khách thập phương cũng như các gia đình trong vùng cứ theo lệ, nhân ngày lễ hội về dâng lễ và cầu nguyện cho mọi người được khoẻ mạnh, gia đình ăn nên, làm ra, học hành được hanh thông, thành đạt. Lòng tin đó đã gắn kết dân làng đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tham dự vào lễ hội đền Vân Mộng - một lễ hội "cầu mưa" với nghi thức rước nước và tế chầu cầu trời đất rất đặc sắc ở huyện Mỹ Đức, mang đậm dấu ấn sinh hoạt văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước cho ta thấy lại cảm giác được về với cội nguồn của dân tộc, để con người hiện tại được hưởng những giây phút thiêng liêng, hạnh phúc trong niềm giao cảm với thần thánh và với cộng đồng.

         Đền Vân Mộng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố tại quyết định số 1516 QĐ/UB ngày 21 tháng 10 năm 2005.

THÔNG BÁO

Video